6.2.1 Chú thích: Những Hỗ trợ và Can Thiệp chính đối với Hành Vi tại SFUSD

Chú thích: Những Hỗ trợ và Can Thiệp chính đối với Hành Vi tại SFUSD

Nhiều hỗ trợ và biện pháp can thiệp trên toàn trường tại SFUSD nâng cao ý thức xây dựng cộng đồng tích cực trong phạm vi  trường học, dạy cách giải quyết xung đột, và xây dựng các kỹ năng giúp nuôi dưỡng hành vi tích cực ở học sinh và được thực hiện trên cơ sở am hiểu văn hóa. Có thể xem các định nghĩa về một số hỗ trợ và biện pháp can thiệp ở dưới đây.

Kế Hoạch Can Thiệp Hành Vi

Một kế hoạch chính thức nhằm hỗ trợ học sinh dựa trên các kết quả Đánh Giá Hành Vi Chức Năng (xem định nghĩa bên dưới) thường được thực hiện bởi chuyên viên tâm lý học đường, chuyên gia hành vi, hoặc nhà phân tích hành vi có chứng chỉ của hội đồng giáo dục (board certified behavior analyst - BCBA).

Tư Vấn cho Các Dịch Vụ Can Thiệp Hành Vi (Behavior Intervention Services - BIS)

Tư vấn BIS là can thiệp bằng tư vấn về dùng thuốc lá và chất kích thích do nhân viên tiếp cận sức khỏe cộng đồng, tư vấn viên trường học, y tá học khu, trưởng khoa hoặc nhân viên xã hội trường học đảm nhiệm. Can thiệp này gồm có  2-3 buổi, một giúp một, chú trọng vào lý do tại sao học sinh dùng rượu hoặc ma túy. Biện pháp này hỗ trợ học sinh đặt ra các mục tiêu và đưa ra các lựa chọn có hiểu biết hơn về việc dùng rượu và ma túy.

Đáp ứng đối với Can thiệp về Hành Vi (Behavioral Response to Intervention - BRTI)

Một mô hình gồm các hệ thống hỗ trợ nhiều bậc để can thiệp vào hành vi, được sử dụng nhằm đáp ứng các nhu cầu cụ thể của học sinh. Mô hình này gồm các biện pháp hỗ trợ chung Bậc 1 dành cho tất cả học sinh, các biện pháp can thiệp Bậc 2 cho cá nhân dành cho những học sinh cần được hỗ trợ nhiều hơn, và các biện pháp hỗ trợ Bậc 3 tăng cường hơn cho cá nhân dành cho những học sinh biểu hiện cần hỗ trợ ở các bậc cao hơn.

Kiểm Tra Đầu, Cuối

Biện pháp can thiệp hành vi này sắp xếp cho một người hướng dẫn theo sát một học sinh. Người đó sẽ hàng ngày cùng học sinh kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu đề ra dựa trên một bảng điểm về hành vi vào đầu ngày và cuối ngày. Họ cùng nhau xem lại bảng đánh giá hành vi hàng ngày, mà  CCT (xem định nghĩa  bên dưới) cung cấp, nêu rõ các mục tiêu và tiêu chí để học sinh thành công.

Thẻ Nghỉ Giữa Giờ

Biện pháp can thiệp bằng thẻ nghỉ giữa giờ cho phép một học sinh hưởng một số thẻ nghỉ giữa giờ dựa trên (các) mục tiêu về hành vi của các em.  Số Thẻ Nghỉ Giữa giờ có được là do CCT xác định trước (xem định nghĩa bên dưới) và được dùng để nghỉ giải lao ngay trong khu vực do CCT hoặc giáo viên chỉ định trong một ngày học hoặc một tuần học. Học sinh được một phần thưởng của trường cho mỗi thẻ mà các em có thể để dành được hoặc dựa theo  một số tiêu chí đặt ra cho các thẻ mà các em để dành được vào cuối ngày học hoặc cuối tuần học.

Tư vấn trong lớp học

Quá trình xác định các yếu tố trong môi trường có thể góp phần vào các hành vi của học sinh xảy ra trong lớp.

Nhóm Chăm sóc Phối hợp (CCT)

Nhóm chăm sóc Phối hợp là một nhóm tích hợp các nhóm ở trường đã có từ trước bao gồm Văn hóa và Môi trường, Chương trình Hỗ trợ Học sinh (SAP), Nhóm Cộng tác với Gia đình (FP-PIP) và Nhóm Đánh giá Đi học Chuyên cần (SART). CCT có ở mỗi trường và tập trung vào bầu không khí học đường, quan hệ hợp tác với gia đình, việc đi học chuyên cần, và các dịch vụ học sinh/gia đình. Nhóm hợp tác với học sinh và gia đình để thực hiện các chương trình ở nhiều cấp độ dịch vụ khác nhau (từ toàn trường, đến các dịch vụ cá nhân của học sinh và gia đình) nhằm đạt được một bầu không khí và văn hóa học đường an toàn hơn và công bình hơn.

Am Hiểu về Văn Hóa hoặc Đáp Ứng theo Văn Hóa:

Một phương pháp tiếp cận qua đó dùng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau của học sinh mà chúng tôi giảng dạy để làm cơ sở cho  các tương tác, cho việc thực hiện các biện pháp và can thiệp.

Làm Dịu Bớt/Đào tạo về Cách Giữ An toàn:

Là quá trình hỗ trợ học sinh phòng tránh hoặc kết thúc nhanh hơn các chu kỳ lên cơn bằng cách ứng phó phù hợp theo các mức độ mà học sinh cần. Việc ứng phó này có thể giống như là chuyển hướng sự chú ý của học sinh khi các dấu hiệu nổi cơn bắt đầu xuất hiện. Cách Giữ An toàn là một chương trình đào tạo dành cho nhân viên nhà trường và cung cấp đào tạo và giáo dục về cách nhận biết chu kỳ lên cơn và cách can thiệp hiệu quả ở các cấp độ khác nhau, nhằm cố gắng giảm lên cơn một cách an toàn, nhanh chóng và ít gây ra thiệt hại nhất.

Đánh Giá Hành Vi Chức Năng (Functional Behavior Assessment - FBA)

Một đánh giá thường dùng  cho học sinh có IEP hoặc kế hoạch 504, FBA đánh giá hành vi của học sinh và các tác nhân môi trường góp phần vào hành vi của học sinh nhằm xác định chức năng  sâu xa của hành vi đó và đưa ra biện pháp can thiệp phù hợp dựa vào khoa học Phân Tích Hành Vi Ứng Dụng (ABA) nếu cần.

Đến Nhà

Tới thăm nhà học sinh để tiếp xúc với phụ huynh/người nuôi dưỡng  nếu các biện pháp khác không thành công, khi phụ huynh không có phương tiện gì để tới trường, hoặc khi phụ huynh có yêu cầu.

Giảng Hòa Qua Bạn Bè

Mâu thuẫn giữa các học sinh được giải quyết thông qua một cuộc nói chuyện giảng hòa do bạn bè cùng lứa đóng vai trò dẫn dắt.

Thỏa Thuận Hành Vi Tích Cực có Thưởng

Nhóm CCT  (xem định nghĩa ở trên) cùng với học sinh thỏa thuận về tiêu chí thành công trên một biểu đồ hành vi hàng ngày làm trong khoảng thời gian thỏa thuận để cho học sinh giành được phần thưởng mong muốn mà trường có thể cho.

Nhận Xét Tích Cực Từ Bạn

Đây là một biện pháp can thiệp hành vi Bậc 2 mà ở đó một học sinh được chọn “ngẫu nhiên” làm người nhận các đánh giá tích cực từ bạn bè trong một ngày. Được nhận xét tích cực là cách để nhận được phần thưởng cho cả lớp. Mỗi ngày sẽ có một học sinh được chọn ra để nghe những nhận xét tích cực, nhưng học sinh cần can thiệp sẽ được chọn nhiều hơn nếu cần thiết.

Họp Thực hành Khắc phục (RP)

Quá trình hòa giải mâu thuẫn bằng biện pháp khắc phục được sử dụng để giúp hàn gắn những tổn thương về tình cảm và tâm lý cho các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng trường học, cũng như hỗ trợ các bên có liên quan trong việc tạo ra các giải pháp ngăn chặn mâu thuẫn trong tương lai.

Tự Giám Sát

Biện pháp can thiệp này yêu cầu học sinh tự cho điểm của mình vào một biểu đồ hành vi hàng ngày vào cuối mỗi tiết học đã định (ví dụ sau một tiết học hoặc môn học). Giáo viên cũng có thể tiến hành kiểm tra định kỳ để hỗ trợ học sinh đánh giá đúng các hành vi của mình khi tự cho điểm. Học sinh sẽ được trường thưởng khi đạt đủ điểm thành công mà nhóm CCT (xem định nghĩa ở trên) khẳng định.

Sổ Liên lạc Gia đình và Nhà Trường

Là một biểu đồ hành vi mà trên đó giáo viên cho điểm học sinh cho cả ngày học. Biểu đồ hành vi này sau đó được gửi về nhà cho phụ huynh/người giám hộ để các em được lĩnh thưởng (ví dụ cho thêm thời gian hoặc được làm các hoạt động ưa thích ở nhà) nếu học sinh đó đạt điểm chuẩn thành công mà nhóm CCT quy định. Nhóm CCT cũng có thể quyết định phần thưởng theo sở thích của học sinh và phần thưởng đó có thể do nhà trường cung cấp.

Các Can thiệp và Hỗ trợ Hành vi Tích cực Toàn Trường (SWPBIS)

Là một khuôn khổ tư tưởng tập trung vào việc dùng hỗ trợ tích cực và giảng dạy làm phương tiện để giảm hành vi có vấn đề, trái ngược với các hệ quả trừng phạt truyền thống. Để xem xét nghiên cứu về PBIS và các biện pháp can thiệp khác, hãy truy cập www.PBIS.org

Nhóm Học Kỹ Năng hoặc Nhóm Học Kỹ Năng Tăng cường

Là một can thiệp Bậc 2, đây là một loạt các bài học nhóm dành cho học sinh đã được xác định có ích cho các em khi phát triển các kỹ năng xã hội. Nhóm thường do một nhân viên xã hội hoặc một tư vấn viên phụ trách, bài học nhắm vào các lĩnh vực cụ thể để phát triển kỹ năng về hành vi. Học sinh sẽ có cơ hội vừa học vừa thực tập các kỹ năng mới với các bạn.

Các Dịch Vụ Trọn Gói

Dịch vụ hỗ trợ  nâng cao cho hành vi mà các đối tác trong cộng đồng cung cấp được dùng để hỗ trợ cho học sinh cũng như gia đình các em, và có thể  gồm có các hỗ trợ cho cả ở nhà lẫn trong môi trường học đường.

Quá trình Khiếu nại cho việc Bồi thường nếu SWPBIS hay RP không được thực hiện tại trường của quý vị

Quá trình Khiếu nại cho việc Bồi thường nếu SWPBIS hay RP không được thực hiện tại trường của quý vị:

Nếu RP hay SWPBIS không được thực hiện tại trường của quý vị, quý vị có thể gửi đơn khiếu nại đến Ban Dịch vụ Học sinh & Gia đình (SFSD) thông qua liên kết Nguồn Hỗ trợ Học sinh Gia đình Nhà trường, bằng cách gửi yêu cầu qua email đến sflink@sfusd.edu. Vui lòng thêm vào "SWPBIS/RP Supports -Hỗ trợ SWPBIS/RP" ở dòng chủ đề của email. Hoặc quý vị có thể gọi cho Liên kết Nguồn Hỗ trợ trong giờ làm việc theo số (415) 340-1716.

Khi nhận được văn bản khiếu nại không thực hiện SWPBIS hay RP thì trong vòng 30 ngày học, người được chỉ định của SFUSD sẽ gặp người nộp đơn khiếu nại và ban giám hiệu nhà trường để xác định xem SWPBIS và/hay RP có được thực hiện tại trường hay chưa. Người được chỉ định của SFUSD sẽ gửi văn bản trả lời cho người nộp đơn khiếu nại báo cho họ biết là SWPBIS hay RP có được thực hiện hay chưa; và nếu có cơ sở  là không được thực hiện, thì phải mô tả hành động khắc phục sẽ được tiến hành.

 

This page was last updated on October 24, 2022